Làng Đá mỹ nghệ Non Nước truyền thống lịch sử xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVIII, người tổ khai nghề có tên là Huỳnh Bá Quát gốc gác người vùng Ninh Bình – Thanh Hóa. Những sản phẩm buổi sơ khai chỉ là các công cụ sử dụng trong lao động như cối xay, bàn ghế ngồi, đá buộc chài lưới đánh bắt tôm cá… Về sau mở rộng thêm các sản phẩm như lăng mộ đá, mộ đá, lăng, tượng linh vật, tượng thần thánh, tượng đài, cuốn thư, tam cấp các công trình xây dựng như nhà ở, chùa chiền, đền miếu… và cho đến nay sản phẩm vô cùng phong phú phục vụ cả mục đích nghệ thuật giải trí.
Vào thời nhà Nguyễn một nghệ nhân trong làng tên là Huỳnh Bá Triêm được vời ra cung đình Huế thực hiện một số hạng mục trong kinh thành, sau khi được sự động viên, tin tưởng của vua quan nhà Nguyễn và các tác phẩm mỹ nghệ bằng gỗ, sắt, đồng của các nươc phương Tây du nhập ông đã thử thành công điêu khắc bộ ấm chén bằng đá cẩm thạch đỏ. Sau khi tác phẩm hoàn thành được đánh giá cao và vua giao cho ông thực hiện thêm nhiều công trình khác.
Còn dòng tượng bằng đá quý là do nghệ nhân có tên là Nguyễn Chất sáng tạo ra. Tác phẩm đầu tay là hai pho tượng ở động Hoa Nghiêm và Tàng Chơn.
Một tác phẩm để đời cũng được xây bằng đá quý bởi thợ nhân làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước là công trình lăng chủ tịch Hồ Chí Minh do gia đình ông Huỳnh Phước Thảo đóng góp. Đây chính là động lực và cũng là niềm tự hào để bà con nơi đây phát triển nghề truyền thống trở thành một nghề tạo ra thu nhập chính cho hàng ngàn người con quê hương.
Khi đất nước mở cửa nền kinh tế, cải cách lại các phương thức lao động sản xuất làng nghề đá Non Nước cũng được quy hoạch lại, giao cho từng gia đình, cá nhân đứng ra làm chủ theo những thế mạnh nhất của mình không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn để cho du khách viếng thăm mua làm quà lưu niệm.
Hiện tại tại làng nghề có hơn 497 xưởng điêu khắc và khoảng gần 4000 thợ thuyền đang lao động ngày đêm ở đây. Chủ nhiệm làng nghề là ông Huỳnh Chín. Mỗi năm doanh thu về cho các xưởng lên đến con số hàng trăm tỉ đồng, chiếm gần 10% giá trị của các ngành sản xuất toàn thành phố Đà Nẵng. Khách du lịch nước ngoài rất thích đến đây xem sản phẩm và nhiều người sau đó trở thành đối tác lớn, lâu dài. Để đẩy mạnh thông tin sản phẩm đến với khách hàng một cách thuận lợi nhất các cơ sở điêu khắc đã thành lập website, kênh bán hàng online qua mạng internet… Khách nước ngoài biết đến thông tin qua các trang web tiếng Việt, tiếng Anh và tìm đến với sản phẩm.
Trước đây mọi quy trình thực hiện một tác phẩm điêu khắc đều sử dụng bằng sức lao động chân tay là chính, ngày nay người ta đã đầu tư mua máy móc hỗ trợ, vì thế mà năng suất và chất lượng ngày một tăng lên, người thợ cũng đỡ vất vả hơn, tiết kiệm được thời gian tiền bạc và đẩy mạnh tiến độ giao hàng cho khách kịp thời.